Tin Tức

Các Chi Nhánh

Liên kết

100 câu hỏi đáp về thủ tục hải quan_Part 4

Ngày 28/6/2016

  Câu 76: Thủ tục nhập khẩu thiết bị dùng trong nuôi trồng thủy sản thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Đối với thiết bị dùng trong nuôi trồng thủy sản không thuộc danh mục cấm nhập hay nhập khẩu có điều kiện theo quy định tại Nghị định 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ.

Thủ tục đăng ký, khai hải quan thực hiện theo Điều 16, 18 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

 

Câu 77: Thủ tục nhập khẩu mua lại hàng hóa có xuất xứ Việt nam đã xuất khẩu thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Hàng nhập khẩu là của Công ty xuất khẩu, có xuất xứ Việt Nam đã xuất khẩu và đã thanh toán đầy đủ theo hợp đồng thương mại. Nay Công ty mua lại lô hàng đã xuất khẩu thì được xem như hàng hóa mua bán bình thường theo Luật Thương mại. Như vậy, khi nhập khẩu Công ty thực hiện thủ tục hải quan như đối với hàng hóa nhập khẩu kinh doanh thương mại.

Cá tra Fille đông lạnh là mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa phải kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, ký kiểm dịch theo quy định.

 

Câu 78: Thủ tục nhập khẩu tôm hùm giống thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Do Doanh nghiệp không nêu rõ tên khoa học (Latin) của mặt hàng tôm hùm nên chúng tôi không có cơ sở tư vấn chính xác mặt hàng có thuộc diện phải xin phép hay không. Đề nghị Công ty đối chiếu tên khoa học (latin) của mặt hàng tôm giống với quy định tại Phụ lục 3 ban hành danh mục giống thủy sản nhập khẩu có điều kiện kèm theo Thông tư số 04/2015/TT-BNNPTNT ngày 12/02/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành danh mục nhập khẩu thông thường. Doanh nghiệp có thể liên hệ Tổng cục Thủy sản theo địa chỉ số Nguyễn Công Hoan, Ba Đình Hà Nội, điện thoại: 0437245370 để được biết thêm chi tiết.

Thủ tục nhập khẩu giống thủy sản thực hiện hiện theo Điều 32 Thông tư số 04/2015/TT-BNNPTNT ngày 12/02/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Khi nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng và kiểm dịch động vật theo quy định hiện hành.

Thủ tục đăng ký, khai hải quan thực hiện theo Điều 16, 18 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ tài chính.

 

Câu 79: Thủ tục nhập khẩu thức ăn chăn nuôi vi sinh thực hiện theo quy định nào?

Trả lời:

Hiện nay, việc nhập khẩu thức ăn chăn nuôi được được quy định cụ thể tại Thông tư 04/2015/TT-BNNPTNT ngày 12/02/2015, Thông tư 66/2011/TT-BNNPTNT ngày 10/10/2011 và Thông tư 26/2012/TT-BNNPTNT ngày 25/6/2012 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, theo đó:

1/ Đối với thức ăn chăn nuôi đã có trong Danh mục thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam, khi nhập khẩu, tổ chức, cá nhân làm thủ tục tại cơ quan hải quan và thực hiện kiểm tra chất lượng theo Chương III Thông tư này. Thủ tục hải quan thực hiện theo Điều 16, 18 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ tài chính.

2/ Đối với thức ăn chăn nuôi chưa có trong Danh mục thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam khi nhập khẩu phải có quyết định công nhận thức ăn chăn nuôi, thức ăn gia súc được phép lưu hành tại Việt Nam của Tổng cục Thủy sản hoặc Cục Chăn nuôi và thực hiện kiểm tra chất lượng theo Chương III Thông 66/2011/BNNPTNT.

 

Câu 80: Thủ tục nhập khẩu phân bón PK thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Hiện nay, việc nhập khẩu phân bón thực hiện Nghị định 202/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định về quản lý phân bón; khi nhập khẩu phân bón phải thực hiện chứng nhận, công bố hợp quy phân bón hữu cơ và phân bón khác theo quy định. Thông tư 29/2014/TT-bct ngày 30/9/2014 của Bộ Công thương, Thông tư 41/2014/TT-BNNPTNT ngày 13/11/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng dẫn Nghị định 202/2013/NĐ-CP, quy định: Trường hợp nhập khẩu phân bón để sản xuất, kinh doanh doanh nghiệp phải nộp: Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó có ngành nghề về kinh doanh phân bón do cơ quan có thẩm quyền cấp, chỉ xuất trình khi nhập khẩu lần đầu. Bản sao Giấy chứng nhận hợp quy lô phân bón nhập khẩu do tổ chức chứng nhận được chỉ định cấp.

Thông tư 04/2015/TT-BNNPTNT ngày 12/02/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy định phân bón có tên trong danh mục được phép sản xuất kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam; phân bón có tên trong danh sách phân bón đã công bố hợp quy khi nhập khẩu không cần giấy phép

Phân bón NPK nhập khẩu phải xin giấy phép nhập khẩu tự động theo Thông tư 35/2014/TT-BCT ngày 15/10/2014 của Bộ Công thương quy định chế độ cấp giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số mặt hàng phân bón.

 

Câu 81: Thủ tục về việc ký quỹ nhập khẩu phế liệu thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu có hiệu lực thực hiện từ ngày 15/6/2015 quy định:

Tại khoản 1 Điều 59 quy định : Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu phải thực hiện ký quỹ trước khi tiến hành thủ tục thông quan phế liệu nhập khẩu ít nhất 15 ngày làm việc. Số tiền ký quỹ được quy định tại Điều 58 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP.

Tại khoản 2 Điều 59 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP quy định: Sau khi nhận ký quỹ, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc ngân hàng thương mại xác nhận việc ký quỹ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu. Bản sao chứng thực của giấy xác nhận ký quỹ phải được nộp kèm theo hồ sơ thông quan đối với phế liệu nhập khẩu, chấp nhận bản sao của ngân hàng ký quỹ.

Tại khoản 6 Điều 64 Tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu trước khi Nghị định này có hiệu lực, được phép tiếp tục nhập khẩu phế liệu đến hết thời hạn có hiệu lực của Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu. Như vậy, ngoài Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu còn hiệu lực, Công ty còn phải nộp Bản sao chứng thực của giấy xác nhận ký quỹ phải được nộp kèm theo hồ sơ thông quan đối với phế liệu nhập khẩu theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 59 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP.

 

Câu 82: Đề nghị hướng dẫn thủ tục hải quan trong giai đoạn đổi tên công ty cũ thành tên mới đối với giấy phép nhập khẩu?

Trả lời:

Mặt hàng thuốc, nguyên liệu thuốc khi nhập khẩu thuộc diện phải xin giấy phép theo quy định tại Thông tư 47/2010/TT-BYT ngày 29/12/2010 của Bộ Y tế hướng dẫn hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thuốc và bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc, về nguyên tắc khi nhập khẩu hàng hóa theo giấy phép thì hàng hóa đó và hồ sơ hải quan phải phù hợp nội dung giấy phép được cấp. Do đó, đề nghị VPĐD Jebsen & Jessen Chemicals Holding PTe. Ltd liên hệ trực tiếp với Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế để được điều chỉnh giấy phép hoặc có xác nhận từ tên công ty cũ sang tên công ty mới trước khi làm thủ tục nhập khẩu nguyên liệu thuốc.

 

Câu 83: Thủ tục nhập khẩu trang thiết bị y tế như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Thông tư 24/2011/TT-BYT ngày 21/6/2014 của Bộ Y tế thì:

- Tại Điều 2 quy định: Trang thiết bị y tế là các loại thiết bị, dụng cụ, vật tư, hoá chất, kể cả phần mềm cần thiết, được sử dụng riêng lẻ hay phối hợp với nhau phục vụ cho con người nhằm mục đích: Ngăn ngừa, kiểm tra, chẩn đoán, điều trị, làm giảm nhẹ bệnh tật hoặc bù đắp tổn thương; Kiểm tra, thay thế, sửa đổi, hỗ trợ phẫu thuật trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh; Hỗ trợ hoặc duy trì sự sống; Kiểm soát sự thụ thai; Khử trùng trong y tế (không bao gồm hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế); Vận chuyển chuyên dụng phục vụ cho hoạt động y tế.

- Tại khoản 3 Điều 4 quy định: Đơn vị nhập khẩu không phải xin giấy phép nhập khẩu đối với các trang thiết bị y tế không nằm trong danh mục quy định tại Phụ lục 1 trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này, nhưng vẫn phải đảm bảo các quy định tại điểm b và c khoản 1 Điều 5 Thông tư này.

- Tại khoản 3a Điều 5 quy định: Đối với trang thiết bị y tế ngoài danh mục quy định tại Phụ lục 1 nhưng thiết bị đó ứng dụng các phương pháp chẩn đoán, điều trị mới và lần đầu nhập khẩu vào Việt Nam: Ngoài các điều kiện, hồ sơ thủ tục xin giấy phép nhập khẩu như quy định tại khoản 1, Điều 5, trang thiết bị y tế xin nhập khẩu phải có kết quả đánh giá thử nghiệm lâm sàng và được Hội đồng Khoa học và Công nghệ của Bộ Y tế thẩm định, cho phép thì mới được phép nhập khẩu.

 

Câu 84: Thủ tục nhập khẩu mặt hàng mỹ phẩm như thế nào?

Trả lời:

Hiện nay, việc nhập khẩu mỹ phẩm được thực hiện theo Thông tư 06/2011/TT-BYT ngày 25/01/2011 của Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm. Theo đó: Các sản phẩm mỹ phẩm đã được Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm còn hiệu lực được phép nhập khẩu vào Việt Nam. Thủ tục nhập khẩu thực hiện tại cơ quan Hải quan theo quy định hiện hành. Khi làm thủ tục nhập khẩu, doanh nghiệp xuất trình với cơ quan Hải quan Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được Cục Quản lý dược - Bộ Y tế cấp số tiếp nhận.

 

Câu 85: Thủ tục nhập khẩu mặt hàng thuốc chữa bệnh và vỏ nang rỗng dùng trong dược phẩm như thế nào?

Trả lời:

Hiện nay, việc nhập khẩu thuốc chữa bệnh và vỏ nang rỗng dùng trong dược phẩm được thực hiện theo Thông tư 47/2010/TT-BYT ngày 29/12/2010 hướng dẫn XNK thuốc và bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc của Bộ Y tế và Thông tư 38/2013/TT-BYT ngày 15/11/2013 của Bộ Y tế hướng dẫn bổ sung thông tư 47/2010/TT-BYT. Theo đó:

1/Thuốc có số đăng ký lưu hành còn hiệu lực, được nhập khẩu theo nhu cầu không phải đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu hoặc xác nhận đơn hàng nhập khẩu.

Thuốc, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc nhập khẩu phải có giấy phép nhập khẩu của Cục Quản lý dược- Bộ Y tế bao gồm:

Thuốc thành phẩm, nguyên liệu làm thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế chưa có số đăng ký;

Bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc.

Khi làm thủ tục thông quan, doanh nghiệp nhập khẩu thuốc, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc phải xuất trình Hải quan cửa khẩu bản chính phiếu kiểm nghiệm của cơ sở sản xuất chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng cho từng lô thuốc nhập khẩu của nhà sản xuất

Thương nhân nhập khẩu thuốc, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc phải chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn của thuốc nhập khẩu theo quy định của Luật Dược, Luật Thương mại và các quy định khác về quản lý chất lượng thuốc hiện hành.

2. Hạn dùng của thuốc nhập khẩu:

Thuốc thành phẩm nhập khẩu vào Việt Nam có hạn dùng trên 24 tháng thì hạn dùng còn lại tối thiểu phải là 18 tháng kể từ ngày đến cảng Việt Nam. Đối với thuốc có hạn dùng bằng hoặc dưới 24 tháng thì hạn dùng phải còn tối thiểu là 12 tháng kể từ ngày đến cảng Việt Nam;


Câu 86: Về việc tên hàng khai báo và giấy phép lưu hành sản phẩm có sự khác biệt với tên hàng trên giấy chứng nhận của nhà sản xuất và đề nghị được mang hàng về bảo quản công ty phải thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ quy định tại Điều 10 Thông tư 47/2010/TT-BYT ngày 29/12/2010 của Bộ Y tế quy định nhập khẩu thuốc có số đăng ký lưu hành còn hiệu lực, Danh nghiệp nhập khẩu phải nộp Giấy phép lưu hành sản phẩm hoặc Quyết định cấp số đăng ký lưu hành; các văn bản cho phép thay đổi, bổ sung, đính chính khác (nếu có); theo đó: Mặt hàng nhập khẩu tân dược Exelon Patch của Công ty đã được Cục Quản lý Dược cấp giấy phép lưu hành ngày 04/3/2014, thực tế mặt hàng nhập khẩu là Exelon Patch 10 là chưa phù hợp với giấy phép lưu hành. Do vậy, đề nghị Công ty liên hệ với Cục Quản lý Dược để được xác nhận nội dung thay đổi của giấy phép với hàng hóa thực nhập.

Về việc đề nghị mang hàng về bảo quản thuộc thẩm quyền của Chi cục, đề nghị Công ty liên hệ với Chi cục nơi làm thủ tục hải quan cho lô hàng để được giải quyết.


Câu 87: Thủ tục nhập khẩu kính áp tròng thời trang không độ thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Mặt hàng kính áp tròng thời trang không độ không nằm trong danh mục trang thiết bị y tế được nhập khẩu theo giấy phép của Bộ Y tế ban hành kèm theo Thông tư số 24/2011/TT-BYT ngày 21/6/2011 thì không phải xin giấy phép nhập khẩu. tuy nhiện, quá trình làm thủ tục hải quan nếu có nghi vấn, cơ quan hải quan trưng cầu giám định để xác định hàng hóa nhập khẩu nếu không đúng khai báo thì DN sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

Câu 88: Thủ tục nhập khẩu chế phẩm diệt khuẩn dùng sát khẩn tay trong cơ sở y tế và gia dụng thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Thông tư số 29/2011/TT-BYT ngày 30/6/2011 của Bộ Y tế quy định về quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, theo đó: những chế phẩm đã được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành thì doanh nghiệp được làm thủ tục nhập khẩu trực tiếp tại chi cục Hải quan cửa khẩu nhập, chế phẩm nào chưa cấp số đăng ký lưu hành thì đề nghị doanh nghiệp liên hệ trực tiếp với Bộ Y tế để được xem xét, hướng dẫn cụ thể.


Câu 89: Về việc đề nghị thông quan hóa chất phục vụ nghiên cứu công ty phải thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Hiện nay, việc nhập khẩu hóa chất thực hiện theo quy định tại Nghị định 108/2008/NĐ-CP ngày 07/10/2008 và Nghị định 26/2011/NĐ-CP ngày 08/4/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một một số điều của Luật Hóa chất, theo đó: Đối tượng áp dụng là đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hóa chất; tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động hóa chất trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ví dụ: Cồn etylic và rượu mạnh khác, đã biến tính, ở mọi nồng độ thuộc danh mục hóa chất phải khai báo theo quy định tại phụ lục V Nghị định 26/2011/NĐ-CP thì: Trước khi thông quan hóa chất, tổ chức, cá nhân nhập khẩu hóa chất có trách nhiệm thực hiện việc khai báo hóa chất với Bộ Công thương.


u 90: Thủ tục nhập khẩu hóa chất xét nghiệm thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Điều 7 Thông tư 47/2010/TT-BYT ngày 29/12/2010 của Bộ Y tế quy định các trường hợp nhập khẩu phải có giấy phép nhập khẩu của Cục Quản lý Dược- Bộ Y tế gồm: Thuốc thành phẩm, nguyên liệu làm thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế chưa có số đăng ký.

Căn cứ Điều 4 Thông tư 24/2011/TT-BYT ngày 21/6/2011 của Bộ Y tế thì: vật tư, hóa chất (được xếp vào trang thiết bị y tế) không nằm trong phụ lục 1 ban hành kèm theo theo thông này không phải xin phép nhập khẩu.

Đề nghị doanh nghiệp xem lại hàng hóa mình nhập khẩu là sinh phẩm y tế hay hóa chất xét nghiệm để thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế.

 

Câu 91: Thủ tục nhập khẩu hóa chất là các chất thử chẩn đoán sử dụng trên máy xét nghiệm thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Thông tư 24/2011/TT-BYT ngày 21/6/2014 của Bộ Y tế thì:

- Tại Điều 2 quy định: Trang thiết bị y tế là các loại thiết bị, dụng cụ, vật tư, hoá chất, kể cả phần mềm cần thiết, được sử dụng riêng lẻ hay phối hợp với nhau phục vụ cho con người nhằm mục đích: Ngăn ngừa, kiểm tra, chẩn đoán, điều trị, làm giảm nhẹ bệnh tật hoặc bù đắp tổn thương; Kiểm tra, thay thế, sửa đổi, hỗ trợ phẫu thuật trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh; Hỗ trợ hoặc duy trì sự sống; Kiểm soát sự thụ thai; Khử trùng trong y tế (không bao gồm hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế); Vận chuyển chuyên dụng phục vụ cho hoạt động y tế.

- Tại khoản 3 Điều 4 quy định: Đơn vị nhập khẩu không phải xin giấy phép nhập khẩu đối với các trang thiết bị y tế không nằm trong danh mục quy định tại Phụ lục 1 trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này, nhưng vẫn phải đảm bảo các quy định tại điểm b và c khoản 1 Điều 5 Thông tư này.

- Tại khoản 3a Điều 5 quy định: Đối với trang thiết bị y tế ngoài danh mục quy định tại Phụ lục 1 nhưng thiết bị đó ứng dụng các phương pháp chẩn đoán, điều trị mới và lần đầu nhập khẩu vào Việt Nam: Ngoài các điều kiện, hồ sơ thủ tục xin giấy phép nhập khẩu như quy định tại khoản 1, Điều 5, trang thiết bị y tế xin nhập khẩu phải có kết quả đánh giá thử nghiệm lâm sàng và được Hội đồng Khoa học và Công nghệ của Bộ Y tế thẩm định, cho phép thì mới được phép nhập khẩu.


Câu 92: Thủ tục nhập khẩu hệ thống báo cháy tự động thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ quy định tại Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 31/03/2004 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng cháy chữa cháy và Thông tư số 11/2014/TT-BCA ngày 12/3/2014 của Bộ Công an hướng dẫn thi hành Nghị định 35/2003/NĐ-CP của Chính phủ thì việc nhập khẩu phương tiện phòng cháy và chữa cháy không yêu cầu phải có giấy phép. Tuy nhiên, những mặt hàng này thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công an theo Thông tư số 14/TT-BCA ngày 20/3/2012 khi nhập khẩu cần phải kiểm định chất lượng theo quy định. Do đó, đề nghị Doanh nghiệp liên hệ với Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật (Bộ Công an) để được hướng dẫn cụ thể.


Câu 93: Thủ tục nhập khẩu camera quan sát thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ thì mặt hàng Doanh nghiệp hỏi không thuộc danh mục hàng cấm nhập hay hàng nhập khẩu có điều kiện. Thủ tục đăng ký, khai hải quan thực hiện theo Điều 16, 18 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính và hàng không thuộc danh mục kiểm tra chất lượng nhà nước theo quy định hiện hành.


Câu 94: Thủ tục nhập khẩu điện thoại di động thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Mặt hàng điện thoại di động thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu phải xin giấy phép theo quy định tại Thông tư số 18/2014/TT-BTTTT ngày 26/11/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 3 Thông tư này: Các trường hợp được miễn giấy phép nhập khẩu đối với trường hợp điện thoại di động mặt đất (không miễn giấy phép nhập khẩu đối với điện thoại di động vệ tinh) ký gửi cùng chuyến hoặc không cùng chuyến của người nhập cảnh hoặc được nhập khẩu theo đường bưu chính, dịch vụ chuyển phát quốc tế để phục vụ cho mục đích cá nhân; điện thoại di động mặt đất tạm xuất, tái nhập để phục vụ mục đích bảo hành, sửa chữa, thay thế với điều kiện còn trong thời hạn bảo hành theo hợp đồng nhập khẩu.

 

Câu 95: Thủ tục nhập khẩu mặt hàng máy in công nghiệp loại sử dụng công nghệ kỹ thuật số, loại offset, flexo, ống đồng thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Điều 27 Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19 tháng 06 năm 2014 của Chính phủ quy định nhập khẩu thiết bị in và Thông tư 16/2015/TT-BTTTT ngày 17/6/2015 của Bộ thông tin và truyền thông. Theo đó, Máy in sử dụng công nghệ kỹ thuật số, ốp-xét (offset), flexo, ống đồng; máy in lưới (lụa) khi nhập khẩu phải có giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông.


Câu 96: Thủ tục nhập khẩu thiết bị định tuyến, điểm truy cập không dây thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Hiện nay, mặt hàng thiết bị phát, thu – phát sóng vô tuyến thuộc diện thiết bị định tuyến, điểm truy cập không dây thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu phải xin giấy phép theo quy định tại Thông tư số 18/2014/TT-BTTTT ngày 26/11/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Thủ tục đăng ký, khai hải quan thực hiện theo Điều 16, 18 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ tài chính.

 

Câu 97: Thủ tục nhập khẩu nguyên liệu về phục vụ sản xuất thực phẩm chức năng thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 14, Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm thì: “Tất cả các loại thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm khi nhập khẩu vào Việt Nam phải kiểm tra tại cơ quan kiểm tra nhà nước có thẩm quyền do các Bộ quản lý ngành chỉ định...”. Như vậy, đối với mặt hàng nhập khẩu của Doanh nghiệp, khi nhập khẩu vào Việt Nam phải thực hiện kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.

Mặt hàng nguyên liệu nhập khẩu về phục vụ sản xuất thực phẩm chức năng chiết xuất từ mào gà là sản phẩm động vật thuộc đối tượng phải kiểm dịch động vật theo danh mục ban hành kèm theo Quyết định số 45/2005/QĐ-BNNPTNT ngày 25/7/2005 của Bộ Nông nghiệp phát triển và Nông thôn.


Câu 98: Thủ tục nhập khẩu than hoạt tính và cát để lọc nước có phải xin giấy phép hay không?

Trả lời:

Mặt hàng than hoạt tính, cát dùng để lọc nước không thuộc diện hàng cấm và hàng nhập khẩu theo giấy phép của cơ quan quản lý chuyên ngành đã được quy định tại Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ. Thủ tục hải quan được thực hiện tại Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập. Đề nghị liên hệ trực tiếp với Chi cục Hải quan nơi mở tờ khai để được hướng dẫn chi tiết.


Câu 99: Thủ tục nhập khẩu bóng đèn sợi đốt công xuất trên 60W cho tàu biển thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Theo tại Quyết định 51/2011/QĐ-TTg ngày 12/9/2011 của Chính phủ quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện thì đối với các sản phẩm đèn tròn (đèn sợi đốt) từ ngày 01 tháng 01 năm 2013, không được nhập khẩu, sản xuất và lưu thông loại đèn có công suất lớn hơn 60W. Các sản phẩm đèn sợi đốt có đặc tính kỹ thuật đặc biệt sử dụng trong một số mục đích chuyên dụng vẫn được nhập khẩu, tuy nhiên việc phân biệt chủng loại sản phẩm này phức tạp cần được kiểm tra xác minh thông số kỹ thuật cụ thể.


Câu 100: Về việc giải quyết vướng mắc về giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng khi làm thủ tục thông quan công ty phải thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ khoản 2 Điều 3 Quyết định số 51/QĐ-TTg ngày 12/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ thì: Đối với các nhóm thiết bị công nghiệp, thiết bị văn phòng và thương mại từ ngày 01 tháng 01 năm 2015, không được phép nhập khẩu và sản xuất các thiết bị có mức hiệu suất năng lượng thấp hơn mức hiệu suất năng lượng tối thiểu. Khi doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục và tiêu chuẩn áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu phải thực hiện theo quy định hiện hành.